Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh thanh long xuất khẩu ở Bình Thuận đang lâm vào cảnh lao đao thì nhiều thương lái Trung Quốc ồ ạt xâm nhập thị trường giở đủ chiêu ép, phá giá.
Thương lái Trung Quốc xuất hiện tại vựa thanh long Xuân Tình, huyện Hàm Thuận Nam - Ảnh: Đ.PHÚ |
Bà Lê Thị Ngọc - giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Ngọc Hà (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) - cho biết hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh thanh long xuất khẩu cạnh tranh không lại với các thương lái Trung Quốc hoạt động “chui” buộc chuyển qua hoạt động cầm chừng, thậm chí nợ nần, phá sản.
Đủ trò ép giá
Bà Ngọc cho rằng trước đây kinh doanh thanh long đều có lời. Tuy nhiên, chỉ vài năm trở lại đây thì lỗ. “Làm nhiều lỗ nhiều, có khi mang đi đổ, thậm chí bán như cho không. Tôi làm ít nhưng cũng đang lỗ hơn 1 tỉ đồng, có doanh nghiệp lỗ đến 10 tỉ đồng” - bà Ngọc nói.
Theo bà Ngọc, nguyên nhân chủ yếu là do các thương lái Trung Quốc tràn vào Bình Thuận ngày càng nhiều. Họ tung đủ chiêu phát giá ảo để ép giá người trồng thanh long và doanh nghiệp trong nước.
“Trước đây, họ ở ngoài cửa khẩu Tân Thanh đặt hàng mình đóng, nhưng giờ thì vào thẳng địa phương thu mua. Nếu họ mua giá cao, người dân được lợi chứ chẳng sao, đằng này họ phát giá cao nhưng khi nhập hàng về vựa lại viện đủ lý do như trái nhỏ, không đúng mẫu rồi ép giá xuống. Doanh nghiệp trong nước muốn có hàng buộc phải mua theo nhưng một thời gian thì “bể” và họ chiếm lĩnh thị trường” - bà Ngọc nói.
Bà Ngọc còn tiết lộ hiện nhiều doanh nghiệp do người Việt đứng tên nhưng thực chất chỉ là “cây cảnh”, mọi hoạt động đều do Trung Quốc đầu tư, quản lý. “Nhiều người Trung Quốc đã tới đặt vấn đề thuê lại nhà xưởng, yêu cầu tôi đứng tên pháp lý để họ tự đi thu mua thanh long nhưng tôi từ chối” - bà Ngọc cho biết.
Chẳng khá hơn, bà Hạnh, chủ cơ sở kinh doanh thanh long Hạnh Dưỡng (xã Hàm Minh), than thở trước kia khi người Trung Quốc chưa tràn vào mỗi ngày cơ sở của bà thu mua trên 20 tấn thanh long, nay mua cầm chừng khoảng 10 tấn. Trong vòng một tháng, cơ sở của bà thua lỗ gần 1 tỉ đồng. “Doanh nghiệp trong nước thua lỗ đóng cửa thì thương lái Trung Quốc nhảy vào chiếm lại thị trường” - bà Hạnh lo ngại.
Trong khi đó, ông T.N. (chủ một doanh nghiệp kinh doanh thanh long lớn ở Bình Thuận) nói chính quyền địa phương dù có xử phạt vài vụ người Trung Quốc lợi dụng visa du lịch hoạt động mua bán thanh long “chui” nhưng con số đó rất ít so với thực tế. “Họ thuê chỗ này rồi nhảy chỗ kia, sáng đưa ra giá này chiều giá khác làm mất ổn định thị trường, làm rối tung lên hết” - ông T.N. nói.
Ông Tuấn, một nông dân trồng gần 5.000 trụ thanh long ở xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam), cho biết đợt này giá cả thanh long bèo nhèo chỉ từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Thậm chí, có khi buổi sáng thương lái vào trả giá cao nhưng hái xuống họ lại lật lọng ép giá. Sở dĩ chuyện này xảy ra, theo ông Tuấn, do nhiều người Việt hám lợi tiếp tay cho thương lái Trung Quốc.
“Họ dẫn theo thương lái Trung Quốc vào tận vườn thu mua, họ trả giá bát nháo nên bị nhiều nông dân bức xúc đuổi đánh” - ông Tuấn nói.
Núp bóng
Nhiều ngày đi thực tế tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy ở nhiều địa phương của tỉnh Bình Thuận xưởng thu gom thanh long được ghi hai thứ tiếng Việt - Trung mọc lên nhan nhản với quy mô hoạt động tương đối lớn. Chỉ tính riêng tại huyện Hàm Thuận Nam, có thời điểm thương lái Trung Quốc lưu trú trên địa bàn đến 29 người “đóng quân” ở 12 doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long.
Trong ngày 5-8, chúng tôi ghé vào xưởng thu mua thanh long Khánh Quỳ (Hàm Cường, Hàm Thuận Nam). Tại đây, giữa nhà xưởng rất đông công nhân đang hối hả đóng gói, phía ngoài tập kết hàng trăm sọt đựng thanh long. Một người đàn ông Trung Quốc rành tiếng Việt nói: “Ở đây không đóng hàng trong nước, chỉ đóng hàng xuất khẩu”.
Khi khách đặt vấn đề muốn hợp đồng đóng gói thanh long trong nước, một phụ nữ xưng là quản lý xưởng Hoàng Vỹ (xã Tân Thuận) không mấy mặn mà, nói chỉ đóng gia công hàng qua Trung Quốc và chỉ đóng cho một mối nhất định. Bà chủ này cho biết người thanh niên người Trung Quốc có mặt trong xưởng chỉ là công nhân được ông chủ thuê đến giám sát hàng, hai ba ngày mới vào xưởng một lần.
Tại vựa thu mua thanh long Xuân Tình, huyện Hàm Thuận Nam, có ít nhất ba người đàn ông Trung Quốc đi quanh xưởng giám sát chặt chẽ công nhân trong việc đóng gói thanh long. Tại địa phương này, chúng tôi gặp Tình (phiên dịch người Hoa) làm cho ông chủ người Trung Quốc. Nhiệm vụ của Tình là đưa ông chủ đi giao dịch, thu mua, làm giá thanh long với người Việt, giúp ông chủ đối phó hoặc “quan hệ” với cơ quan chức năng địa phương.
Ông chủ của Tình thuê lại vựa thanh long Hoàng Ân (Hàm Thuận Nam), do một người Việt đứng tên đăng ký kinh doanh, để làm ăn sau một thời gian thì nay quyết định chuyển đầu tư sang một địa điểm khác vào đầu tháng 6-2016.
Theo tìm hiểu, Hoàng Ân trước đây là vựa thu mua thanh long có tiếng ở Bình Thuận, chuyên đóng hàng xuất khẩu đi Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi có sự xâm nhập của người Trung Quốc vào thị trường Bình Thuận, Hoàng Ân chuyển hướng cho thuê lại mặt bằng.
Vựa thanh long này có sẵn một kho lạnh để trữ thanh long, bên trong còn có một căn nhà và một dãy phòng trọ để công nhân lưu trú. Khách liên hệ với chủ vựa thanh long Hoàng Ân hỏi thuê lại vựa này cho ông chủ Trung Quốc làm thì được báo giá tiền thuê 50 triệu đồng/tháng, trong ba tháng đầu chỉ lấy 45 triệu đồng/tháng để tạo mối làm ăn lâu dài.
Chủ vựa tư vấn thêm: “Trước đây, người ta thuê cũng lấy thương hiệu Hoàng Ân do tôi đăng ký kinh doanh. Nhưng nay anh thuê vẫn có thể giữ lại thương hiệu Hoàng Ân nhưng phải đăng ký tên anh, do bên UBND huyện Hàm Thuận Nam yêu cầu bên thuê vựa phải đăng ký chứ tôi không được đăng ký nữa”.
Chủ vựa thanh long còn hướng dẫn, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra phát hiện có người Trung Quốc ở bên trong vựa thì nói là đến tham quan chứ đừng nói làm tại vựa, khi đó nếu có visa du lịch sẽ không bị xử phạt.
Khống chế giá cả Theo thống kê, năm 2016 diện tích trồng thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam là 12.204ha, chiếm 47% diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trong đó, hơn 130 cơ sở, doanh nghiệp lớn nhỏ thu mua thanh long tiêu thụ chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Cơ quan chức năng huyện Hàm Thuận Nam cũng xác định một số cơ sở thu mua thanh long trong nước đã tiếp tay hỗ trợ tiểu thương người Trung Quốc thu mua thanh long, tạo điều kiện cho họ khống chế giá cả. Việc ép giá đã làm việc sản xuất thanh long của người nông dân trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn và có biểu hiện được mùa thì mất giá. Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, trong bảy tháng đầu năm 2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã xử phạt 17 thương lái Trung Quốc hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các hành vi vi phạm gồm: nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại VN nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép... |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.